Hé lộ đủ chiêu trò và chuyện mua cả bảo hiểm cho... người chết (?!)
Một người phụ nữ sẵn sàng thuê người chặt chân tay mình để được tiền bảo hiểm nhân thọ. Câu chuyện này đang gây rúng động dư luận, đồng thời hé lộ thêm mánh lới trục lợi bảo hiểm. Tự gây tai nạn để trục lợi bảo hiểm, khách hàng vừa là chủ mưu, vừa là nạn nhân – có lẽ là câu chuyện quái đản chưa có tiền lệ…
Kinh thiên động đất
Vụ việc chị Lý Thị N. (SN 1986, Phúc Thọ, Hà Nội) thuê người chặt tay, chân tạo hiện trường giả để có được tiền bảo hiểm nhân thọ trị giá 3,5 tỉ đồng đang trở thành tâm điểm của dư luận. Người phụ nữ này đã thuê một thanh niên 50 triệu đồng để chặt chân, tay mình rồi giả hiện trường vụ tai nạn nhằm trục lợi số tiền bảo hiểm.
Theo Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), chị N. được đưa đến bệnh viện 19-8 trong tình trạng cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái, bàn tay và bàn chân đã bị đứt rời và được nối lại. Sau nhiều ngày điều trị, chị N. xin chuyển đến bệnh viện Việt Đức. Tại đây, người phụ nữ này phải tháo bỏ phần bị đứt rời do vết thương đã hoại tử.
Theo trình bày của nạn nhân, nguyên nhân bắt nguồn từ chuyện gia đình nên chị đi lang thang và bị tàu hút vào dẫn đến việc bị tai nạn và được anh Doãn Văn D. (SN 1995, ở huyện Phúc Thọ) đi ngang qua giúp đỡ. Tuy nhiên, cơ quan điều tra phát hiện nhiều điểm nghi vấn và xác định chị N. và anh D. quen biết nhau. Sau nhiều lần làm việc với cơ quan điều tra, chị N. thừa nhận đã thuê D. chặt tay chân của mình để có thể được thanh toán tiền bảo hiểm đã mua.
Khu vực chị N. thuê người chặt tay, chặt chân giả TNGT (Ảnh Zing.vn)
Có lẽ, rất nhiều người đã sốc khi nghe về câu chuyện trên. Thậm chí, với những người làm trong ngành bảo hiểm, từng chứng kiến không ít trò “ma quái”, nhằm trục lợi cũng phải choáng váng. Chia sẻ với PV, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã thốt lên: “Thật khó tưởng tượng một phụ nữ 30 tuổi lại có thể dám làm chuyện động trời này. Ở Việt Nam, đây là trường hợp đầu tiên xảy ra”.
Thực tế, dù không đến mức liều mạng trục lợi bảo hiểm như trường hợp trên, nhưng việc tạo hồ sơ giả, sửa chữa hồ sơ, thay đổi hiện trường để trục lợi bảo hiểm là vấn đề các công ty bảo hiểm thường phải đối mặt. Thậm chí, một chuyên gia bảo hiểm chia sẻ, công ty bảo hiểm của vị này còn gặp trường hợp mua bảo hiểm cho cả người đã mất.
Vị này chia sẻ về một trường hợp từng xảy ra ở miền Nam. Dù em bé đã mất, nhưng người cha vẫn mua bảo hiểm cho con. Nhân viên bán bảo hiểm cũng không kiểm tra cụ thể và vẫn làm hợp đồng. Rất nhiều lần sau đó, gia đình mang hồ sơ, hóa đơn liên quan đến các đợt điều trị dài ngày tại một số bệnh viện đến đại lý bảo hiểm để yêu cầu bồi thường. Ngẫu nhiên, công ty bảo hiểm yêu cầu đưa em bé đi kiểm tra nhưng gia đình không đưa được người đến. Bất ngờ, công ty phát hiện ra rằng em bé trên đã mất từ lâu.
Vị này còn chia sẻ, nhiều trường hợp không cung cấp thông tin về tình trạng bệnh tật khi tham gia bảo hiểm. Nhiều trường hợp bị bệnh nan y nhưng không cung cấp khi tham gia bảo hiểm. Trước khi tham gia bảo hiểm gần 2 tháng, khách hàng H.T.T. (nữ, 37 tuổi) đã nhập viện và được chẩn đoán “viêm cầu thận” với tiền sử “hội chứng thận hư”. Tuy nhiên, người mua bảo hiểm không cung cấp thông tin này cho công ty bảo hiểm. Khi khách hàng T. tử vong, công ty bảo hiểm đã từ chối thanh toán quyền lợi bảo hiểm vì lý do không cung cấp thông tin về sức khỏe một cách trung thực và chính xác.
Tiền mất tật mang
Nói về tình trạng trục lợi bảo hiểm, ông Phùng Đắc Lộc cho hay: “Tại Việt Nam, tình trạng trục lợi chủ yếu xảy ra ở việc giả mạo, sửa chữa hồ sơ so với thực tế. Chẳng hạn, giấy ra vào viện, điều trị là có thật, cơ quan có thẩm quyền đóng dấu, nhưng thông tin sai. Hoặc, giấy chứng tử có thật nhưng ngày chết lại sai, hồ sơ tai nạn có thật nhưng ngày, tháng, năm, địa điểm, mức độ, nguyên nhân thiệt hại là sai”.
Có gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, từng không ít lần “va” với các vụ liên quan đến bảo hiểm, luật sư Trần Hoàng Anh – Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Anh và cộng sự (đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: “Vụ việc người phụ nữ thuê người chặt tay chân để được hưởng bảo hiểm nảy sinh hai vấn đề pháp lý. Đầu tiên là hành vi trục lợi bảo hiểm. Vấn đề thứ hai là việc cố ý gây thương tích”.
Theo LS Hoàng Anh, hành vi trục lợi bảo hiểm, trước đây bộ luật Hình sự không quy định về tội danh này. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi và quy định 3 tội danh, hy vọng khi có hiệu lực có thể xử lý triệt để hành vi trên. Tại thời điểm này, việc làm giả hồ sơ trục lợi bảo hiểm nếu xảy ra sẽ xử theo Điều 139, Bộ luật Hình sự hiện hành về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Câu hỏi đặt ra, tại sao bây giờ trong xã hội lại có nhiều vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra. Lý giải về điều này, luật sư Hoàng Anh phân tích: “Thực tế, tiền bảo hiểm đúng như là 1 vốn 1.000 lời. Một hồ sơ trục lợi được thanh toán thành công đúng là 1.000 lời. Chính vì thế, xã hội sẽ phát sinh ngày càng nhiều loại tội phạm này”.
Tuy nhiên, việc xử lý theo Điều 139 như trên là tội cấu thành vật chất, tức là phải chiếm đoạt tiền mới xử lý còn chưa chiếm đoạt thành công cũng không xử lý được. Chính vì thế, vô tình khuyến khích những người có lòng tham thực hiện hành vi này, vì được thì nhiều còn không cũng không bị xử lý. “Về việc gây thương tích, không phải cô này tự hủy hoại bản thân mà thuê người. Người được thuê đúng là cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, theo luật, người bị nạn tố cáo mới xử lý được. Ở đây, nạn nhân chính là chủ mưu, người tổ chức nên chị ta không thể tố cáo chính mình được”, vị này lý giải.
Nói về quy trình bồi thường, một chuyên gia bảo hiểm nhân thọ (không tiện nêu tên) chia sẻ, trước khi bồi thường, bộ phận pháp chế của công ty bảo hiểm sẽ giám định hồ sơ, kiểm chứng thông tin từ các cơ quan chức năng. Thậm chí, kiểm tra chéo nội bộ lẫn nhau, nên rất dễ phát hiện những điểm mâu thuẫn, trong các vụ việc có dấu hiệu trục lợi. “Thực tế hiện nay, bảo hiểm nhân thọ thường phát sinh từ tai nạn giao thông. Các vụ việc như vậy có lực lượng cảnh sát giao thông tham gia, cơ quan điều tra, cùng với đó là bên kiểm sát giám sát quá trình đó. Chính vì thế, khả năng trục lợi được sẽ rất khó thành công. Ai liều mạng thực hiện hành vi này có thể dẫn đến hậu quả “tiền mất tật mang”, vị này nói.
Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, thống kê sơ bộ từ các doanh nghiệp bảo hiểm, trong giai đoạn 2007 - 2014, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm đã phát hiện và có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả bảo hiểm là gần 64.000 vụ, tăng trung bình 31,3%/năm. Tổng số tiền trục lợi khoảng 850 tỉ đồng, trung bình gần 110 tỉ đồng/năm.
|